Chỉ 30% tên miền tiếng Việt đăng ký được đưa vào sử dụng
Mặc dù đã đưa vào hoạt động 5 năm tuy nhiên số lượng tên miền tiếng Việt được đăng ký được đưa vào sử dụng mới chỉ chiếm 30% chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển của internet Việt Nam.
Tên miền tiếng Việt được cung cấp tự do, cơ hội cho những người đầu cơ
Tên miền tiếng Việt, thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (IDN), được tạo từ các ký tự được quy định trong bảng mã tiếng Việt theo tiêu chuẩn TCVN 6909:2001 và các ký tự nằm trong bảng mã mở rộng của tiếng Việt.
Tên miền tiếng Việt được cấp và triển khai miễn phí từ ngày 28/4/2011 đến 31/12/2016. Tính đến hết tháng 10/2016, hệ thống DNS đã ghi nhận đăng ký thành công 977.007 tên miền. Tuy nhiên kể từ ngày 1/1/2017, tên miền tiếng Việt được thu chi phí duy trì sử dụng ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo bù đắp phí quản lý là 20.000 đồng/tên miền mỗi năm.
Tại hội thảo về xu thế phát triển tên miền đa ngữ ngày 3/5, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến thời điểm trên đã có gần 1 triệu tên miền được đăng ký sở hữu, nhưng lại có tới 73,78% chưa đưa vào sử dụng hoạt động. Đa phần đang được dùng để chuyển hướng (redirect) đến những website có sẵn hay làm web template… Điều này chứng tỏ người dùng vẫn chưa mặn mà cũng như chưa thay đổi thói quen sang tên miền tiếng Việt.
Đại diện VNNIC khẳng định việc viết rõ tên miền với đầy đủ dấu và ký tự sẽ tránh được những cách hiểu mập mờ, là lựa chọn cho người sử dụng để xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của họ chuẩn xác theo ngôn ngữ tiếng Việt trên Internet.
Theo công ty tham vấn Analysys Mason, việc hỗ trợ tên miền đa ngữ IDN có thể mang tới thêm 17 triệu người dùng trực tuyến mới, trong đó có những người vốn gặp phải rào cản trải nghiệm trực tuyến trọn vẹn do thiếu các dịch vụ bằng ngôn ngữ bản địa (như tiếng Ả-rập, tiếng Trung…).
Bắt đầu từ 13/4, người dùng có thể đăng ký tên miền tiếng Việt thông qua các nhà đăng ký iNet, Dot VN, Nhân Hòa, GMO-Z, P.A Việt Nam thay vì tại Trung tâm Internet Việt Nam như trước. Chỉ sau nửa tháng, đã có hơn 2.000 tên miền được cấp thông các nhà đăng ký này.