Tên miền và thương hiệu – vấn đề mang tính thời sự trong thời đại số

Tên miền và thương hiệu – vấn đề mang tính thời sự trong thời đại số

(TBVTSG) – Chỉ cần gõ từ khóa “tranh chấp tên miền”, là sau vài giây ngắn ngủi, Google Search sẽ cho bạn hàng triệu kết quả có liên quan. Có vẻ như con số này đã phản ánh sức nóng của một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự trong sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay.\

+tra cứu tên miền
+đăng ký tên miền giá rẻ
+đăng ký tên miền việt nam

e5949_image01_1_200

Tên miền Internet, theo Thông tư số TT09/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Còn thương hiệu, theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một mặt hàng hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Như vậy, tên miền và thương hiệu là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu Trí tuệ ở Việt Nam. Nhưng, trên thực tế, thương hiệu bảo vệ công việc kinh doanh trong xã hội thực còn tên miền bảo vệ thương hiệu trong xã hội ảo trên mạng Internet. Như vậy, việc đăng ký tên miền có thương hiệu thực chất cũng là bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể.

Quyền lợi và trách nhiệm

Khi nói đến vấn đề tranh chấp tên miền và thương hiệu, theo quy định của pháp luật Việt Nam nói riêng và thông lệ quốc tế nói chung thì đây dường như là hai đối tượng không có sự liên quan đến nhau cho lắm. Bởi theo quy định, nếu nhãn hiệu được hiểu là các dấu hiệu có chức năng chính là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân và tổ chức khác nhau, thì tên miền lại được sử dụng với chức năng định danh địa chỉ Internet.

Theo những định nghĩa nêu trên thì quả là giữa nhãn hiệu và tên miền có sự khác biệt hoàn toàn về cả chức năng và môi trường sử dụng. Sự nhận định này về mặt pháp luật không ai chối cãi, tuy nhiên trên thực tế giữa chúng lại có mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Có thể hiểu một cách nôm na như sau: nhãn hiệu, thương hiệu luôn gắn với một hay nhiều loại hàng hóa hay dịch vụ nhất định. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh thuận lợi, ngoài yêu cầu về kiểu dáng thiết kế, tính năng và chất lượng sản phẩm thì hoạt động quảng bá thương hiệu cũng là một vấn đề không thể bỏ qua. Trong thời đại công nghệ số ngày nay, quảng bá hàng hóa và dịch vụ qua Internet là một giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng, mà muốn thực hiện điều này thì không thể nào thiếu tên miền, bởi nó giống như việc bạn muốn mua hàng thì bạn cần có địa chỉ điểm đến vậy. Và theo thói quen, cần thứ gì thì bạn sẽ phải tìm kiếm thông tin về thứ đó trên mạng. Ví dụ, bạn muốn mua một chiếc áo sơ mi hiệu Zara, bạn sẽ tìm kiếm với từ khóa “Zara”. Cũng chính vì thói quen này của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp thường chọn tên miền quảng bá sản phẩm cũng chính là tên nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm đó. Sự nhất quán giữa tên miền và nhãn hiệu đã tạo nên tính nhất quán của bộ nhận diện thương hiệu. Và xuất phát từ điểm nhất quán này không ít cá nhân, tổ chức đã sử dụng tên miền chính là tên nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu bằng tên miền.

Như vậy, từ thực tế này, những quy định về tên miền và nhãn hiệu cũng cần phải có những điểm nhất quán nhất định. Theo quy định về việc đăng ký tên miền, nguyên tắc để các cơ quan quản lý xem xét và cho phép đăng ký tên miền là “Đăng ký trước thì được sử dụng trước”, nên đôi khi tên miền được chủ sở hữu này đăng ký trước lại gây ra sự nhầm lẫn với nhãn hiệu hay tên thương mại của một chủ sở hữu khác đăng ký sau. Tiếp đến là quy định về quyền sở hữu Trí tuệ, mặc dù Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ đã chạm đến vấn đề khá nhạy cảm giữa nhãn hiệu và tên miền khi quy định việc “sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng cũng chỉ mới “chạm” tới vấn đề mà chưa thực sự giải quyết vấn đề. Các định nghĩa có liên quan cũng như chế tài cụ thể vẫn chưa được làm rõ trong trường hợp này.

Và từ chính những điểm hạn chế này của hệ thống quy phạm mà trong những năm gần đây ở Việt Nam diễn ra không ít những vụ tranh chấp thương hiệu và tên miền đình đám, và nạn nhân không chỉ có các doanh nghiệp trong nước như  Trung Nguyên, Vietcombank mà còn có cả các tên tuổi lớn của nước ngoài như Samsung, Nokia, Heineken, Tiger Beer, Ford, Visa…

Linh hoạt trong việc bảo vệ tên miền

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Internet và truyền thông xã hội, các “nạn nhân” trong các cuộc tranh chấp tên miền phải chịu trách nhiệm khi đã lơ là, chủ quan trong việc bảo vệ quyền lợi sát sườn của chính mình. Theo giới chuyên gia thương mại điện tử, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phải tự tìm hiểu tình hình thực tế, nắm chắc quy định luật pháp hiện hành và linh hoạt trong cách ứng xử để tự bảo vệ quyền lợi liên quan đến thương hiệu và tên miền của mình. Việc đăng ký nhãn hiệu  và tên miền là rất cần thiết nhưng chưa đủ mà cả hai cần phải được bảo vệ một cách đồng bộ và nhất quán như mối quan hệ giữa chúng vậy.

Nhãn hiệu mặc dù đã là của doanh nghiệp, song, doanh nghiệp cần sớm đăng ký quyền chủ sở hữu của tên miền có chứa từ khóa giống nhãn hiệu, ngược lại, đối với trường hợp đã đăng ký tên miền cũng phải tiến hành đồng thời với việc bảo hộ nhãn hiệu cùng tên. Trên thực tế, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện việc đăng ký, bảo hộ các đối tượng nói trên không đáng kể, còn chi phí để giải quyết các cuộc tranh chấp (khi xảy ra) có thể cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần mà kết quả vẫn không như ý muốn.

Từ những bài học về tranh chấp tên miền ở Việt Nam, giới chuyên gia tư vấn rằng các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ tên miền. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc chọn những thương hiệu và tên miền của riêng mình. Kế tiếp, hãy luôn tra cứu trước khi đăng ký tên miền hoặc nhãn hiệu. Sau đó là tiến hành việc đăng ký tên miền kiểu “bao vây”, để không ai có thể đăng ký tên miền giống của tổ chức, doanh nghiệp của bạn về cả cách viết lẫn cách đọc; theo dõi và thực thi quyền sở hữu tên miền một cách triệt để, và cuối cùng, nhờ đến các cơ quan tư vấn về luật pháp khi thấy có yếu tố xâm phạm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *