Đăng ký, chuyển nhượng tên miền là nhu cầu thực tế và chính đáng
Giải quyết vấn đề tranh chấp tên miền, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau. Thực tế này khiến cho việc xử lý phát sinh nhiều rắc rối, tranh cãi.
Tại Hội thảo “Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ” diễn ra sáng 15/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, viễn thông, trong thời gian qua, Bộ đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy phát triển CNTT, viễn thông, Internet và đã đạt được những thành quả nhất định.
Bộ đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chính sách, quy định về Internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền “.vn” theo hướng bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển của Việt Nam và tăng cường tính minh bạch đối với pháp luật về viễn thông, CNTT nói chung và những quy định về tên miền internet nói riêng.
Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền do thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và Sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập.
Ở Việt Nam, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của cả hai Bộ: Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ. Trong các văn bản chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, các xung đột trong trường hợp, đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác phẩm, tác giả… được coi là các vụ việc tranh chấp.
Thế nhưng Luật Sở hữu trí tuệ coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên các văn bản dưới Luật về vấn đề này (lĩnh vực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) lại đang áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có đưa nội dung xử lý thu hồi tên miền như là một biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm. Điều này có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền.
Chính vì sự thiếu đồng nhất trong cách nhìn nhận vấn đề này nên thực tiễn thời gian qua đã phát sinh nhiều rắc rối, tranh cãi liên quan đến vấn đề sở hữu tên miền.
Để giải quyết vấn đề, Chính phủ đã giao cho hai Bộ phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch, hướng dẫn trình tự thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, với mục đích là giải quyết được hài hòa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra.
Theo ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đây là vấn đề không phải của riêng quốc gia nào. Khi xử lý cần tuân thủ các nguyên tắc, thông lệ quốc tế.
Theo ông, trước khi xây dựng Thông tư thì các bên cần thống nhất một số quan điểm chung, đó là việc đăng ký tên miền mà chưa đưa vào sử dụng (có thể để chuyển nhượng) là nhu cầu thực tế và chính đáng, đã được Thủ tướng cho phép tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg.
“Chúng ta chỉ nên quy định trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền đối với chủ thể tên miền có hành vi đăng ký, sử dụng tên miền với dụng ý xấu như bôi nhọ, nói xấu, gây ảnh hưởng xấu, phản cảm, cung cấp dịch vụ hoặc chào bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm… Đối với các vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh theo quy định về Sở hữu trí tuệ sẽ xử phạt hành chính theo các quy định về sở hữu trí tuệ chuyên ngành”, ông Tân nói.
Thực tế ở Việt Nam, có nhiều tình huống dễ dẫn tới tranh cãi, ví dụ một chủ thể đăng ký tên miền trùng nhãn hiệu không nổi tiếng. Sau một thời gian nhãn hiệu đó nổi tiếng quay lại đòi tên miền. Tình huống này rất dễ phát sinh tranh chấp.
Một ví dụ khác, doanh nghiệp được bảo hộ thương hiệu nhưng không đăng ký tên miền. Chủ thể khác đăng ký tên miền đó sẽ bị coi là vi phạm hành chính (theo Nghị định 99) và tên miền có thể bị thu hồi.
Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ tranh chấp tên miền kéo dài ở Việt Nam.
Bảo Khánh